Bạn có bao giờ tò mò về tính cách bản thân cũng như những điểm mạnh điểm yếu của mình? MBTI – công cụ khám phá 16 nhóm tính cách phổ biến trên thế giới – chính là chìa khóa giúp bạn giải mã điều đó. Không chỉ là một bài kiểm tra tính cách đơn thuần, MBTI còn giúp bạn hiểu rõ hơn về suy nghĩ, cảm xúc và cách bạn tương tác với mọi người xung quanh. Vậy cụ thể MBTI là gì? 16 nhóm tính cách là những nhóm nào? Hãy cùng Online-Testing tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
MBTI là gì?
MBTI (Myers-Briggs Type Indicator) là một công cụ trắc nghiệm tính cách được Isabel Briggs Myers và Katharine Cook Briggs phát triển dựa trên lý thuyết tâm lý học của Carl Jung, một nhà tâm thần học nổi tiếng người Thụy Sĩ. Mặc dù MBTI đã được định hình từ những năm 1940, nhưng nó chỉ thực sự trở nên phổ biến vào những năm 1950 sau khi được giới thiệu trong hai tác phẩm của David Keirsey: “Please Understand Me I & II”. Từ năm 1962, phương pháp này được ứng dụng rộng rãi hơn khi người Nhật bắt đầu sử dụng nó trong nhiều lĩnh vực thực tiễn.
Phương pháp Myers-Briggs Type Indicator không chỉ giúp cá nhân hiểu rõ hơn về chính mình mà còn mở ra những “bí mật” tiềm ẩn về tính cách, sở thích, thế mạnh và những điểm hạn chế mà có thể họ chưa biết về bản thân. Khi biết mình thuộc nhóm tính cách nào, mỗi người có thể tối ưu hóa sở trường và tìm kiếm các công việc phù hợp với cách suy nghĩ, tiếp cận vấn đề và xử lý thông tin của bản thân. Với tầm ảnh hưởng rộng, MBTI đã trở thành công cụ phổ biến nhất được các nhà tuyển dụng sử dụng để hiểu rõ hơn về ứng viên với 2 triệu lượt test mỗi năm.
Xem thêm: ENTP là gì? Người nhìn xa – Nhóm tính cách ENTP có gì đặc biệt
Các tiêu chí đánh giá trong MBTI
MBTI phân loại tính cách con người thành 16 kiểu khác nhau. Trong đó mỗi tính cách được tạo nên từ 4 kiểu tính cách cơ bản. Mỗi kiểu sẽ đại diện một cặp lưỡng phân của 8 yếu tố nhận thức và chức năng cơ bản của con người.
- Hướng ngoại (Extraversion) – Hướng nội (Introversion): Tập trung vào cách con người hướng sự chú ý ra thế giới bên ngoài hay vào nội tâm.
- Cảm giác (Sensing) – Trực giác (INtuition): Tập trung vào cách con người thu thập thông tin từ thế giới xung quanh.
- Lý trí (Thinking) – Cảm xúc (Feeling): Cách con người đưa ra quyết định, dựa trên lý trí hay cảm xúc.
- Nguyên tắc (Judgment) – Linh hoạt (Perception): Cách con người tổ chức cuộc sống, có theo một cấu trúc cố định hay linh hoạt thay đổi.
Sự kết hợp của 4 tiêu chí này tạo ra 16 nhóm tính cách khác nhau. Mỗi người sẽ có một kiểu tính cách được tạo thành từ 4 chữ cái tương ứng với từng lựa chọn trong các cặp đối lập, chẳng hạn như:
- INTJ: Hướng nội, Trực giác, Lý trí, Nguyên tắc.
- ESFP: Hướng ngoại, Giác quan, Cảm xúc, Linh hoạt.
Mỗi nhóm tính cách có những đặc điểm riêng, mang đến cái nhìn sâu sắc về cách mà mỗi người tương tác với thế giới, giải quyết vấn đề, và ra quyết định trong cuộc sống. Để hiểu rõ hơn về từng nhóm tính cách trong MBTI, hãy khám phá nội dung tiếp theo.
Tổng hợp 16 nhóm tính cách trong MBTI
16 nhóm tính cách trong MBTI đều có đặc điểm nổi bật riêng, với những ưu điểm và hạn chế nhất định. Dưới đây là phân tích cụ thể cho từng kiểu tính cách:
INTJ – Nhà khoa học
INTJ, thường được gọi là “Nhà khoa học”, là một trong những nhóm tính cách hiếm nhất theo MBTI, chiếm khoảng 2% dân số và chỉ khoảng 0,8% ở nữ giới. INTJ đại diện cho một kiểu người có tư duy chiến lược và logic vượt trội, mang lại khả năng phân tích và hoạch định ở mức độ sâu sắc, nhưng đồng thời cũng gặp khó khăn trong việc kết nối cảm xúc với người khác.
Ngành nghề phù hợp với tính cách INTJ:
- Nhà hoạch định chiến lược, Nhà quản lý, lãnh đạo
- Bác sĩ, Nha sĩ, Kỹ sư
- Nhà khoa học
- Lập trình viên máy tính, chuyên gia máy tính
- Quản trị kinh doanh, Luật sư
- Giáo sư, Giáo viên…
Những người nổi tiếng thuộc nhóm tính cách INTJ bao gồm Vladimir Putin, Augustus Caesar, Bill Gates, và Mark Zuckerberg… nổi bật với tư duy chiến lược, khả năng hoạch định và sự kiên định với mục tiêu dài hạn.
Ưu điểm của INTJ:
- Khả năng phân tích chính xác: INTJ có khả năng nhìn thấu các vấn đề một cách logic và khách quan, đưa ra những giải pháp và chiến lược có hiệu quả cao.
- Đầu óc nhanh nhạy, linh hoạt: Họ có khả năng thích nghi với nhiều tình huống khác nhau, đặc biệt là trong các công việc đòi hỏi sự thay đổi hoặc cải tiến liên tục.
- Giàu trí tưởng tượng, chiến lược: Họ có khả năng vạch ra những kế hoạch lớn và dài hạn, đồng thời có tầm nhìn chiến lược giúp phát triển các dự án đột phá.
- Quyết đoán trong công việc: Khi đã quyết định, họ thực hiện nhanh chóng và hiệu quả, không bị cản trở bởi những yếu tố cảm xúc.
Nhược điểm của INTJ:
- Quá cầu toàn: Họ có tiêu chuẩn rất cao và thường không thỏa mãn với những điều bình thường, dẫn đến xung đột khi người khác không đáp ứng được mong đợi của họ.
- Không quan tâm đến cảm xúc: Tính cách INTJ khiến họ dễ bỏ qua cảm xúc của người khác, khiến cho người xung quanh có thể cảm thấy tổn thương trong quá trình làm việc chung.
INTP – Nhà tư duy
INTP, hay còn được gọi là “Nhà tư duy”, là nhóm tính cách nổi bật với khả năng tư duy phân tích, trí tưởng tượng phong phú, và niềm đam mê tìm hiểu kiến thức. Chỉ khoảng 3% dân số thuộc nhóm INTP, là một trong những nhóm tính cách hiếm gặp trong MBTI. INTP là những cá nhân có xu hướng tập trung vào sự logic, tính khách quan, thích làm việc độc lập và luôn tìm kiếm những giải pháp mới cho các vấn đề.
Nghề nghiệp phù hợp với INTP:
- Lĩnh vực công nghệ thông tin
- Tài chính và phân tích dữ liệu
- Kỹ thuật và khoa học
- Nghệ thuật và sáng tạo
- Luật và tư vấn
Những người nổi tiếng thuộc nhóm INTP, như Blaise Pascal, James Madison, Albert Einstein và Socrates, đều thể hiện rõ nét đặc trưng của nhóm tính cách này: đam mê tư duy, khám phá và phân tích các ý tưởng mới mẻ, và thường có cách tiếp cận vấn đề rất sáng tạo.
Ưu điểm của INTP:
- Trung thực và khách quan: INTP luôn tìm kiếm sự thật, đánh giá sự việc dựa trên dữ liệu và lý luận logic và luôn thẳng thắn trong việc chia sẻ quan điểm.
- Sẵn sàng chấp nhận ý tưởng mới: Họ cởi mở với những ý tưởng, quan điểm khác biệt và luôn tìm kiếm sự cải tiến.
- Nhiệt tình trong công việc: Khi INTP tìm thấy một vấn đề thú vị, họ sẽ hết mình trong việc nghiên cứu và giải quyết nó.
- Trí tưởng tượng đa dạng và độc đáo: Họ có khả năng sáng tạo và thường đưa ra những giải pháp hoặc ý tưởng mới lạ.
Nhược điểm của INTP:
- Dễ mất tập trung: INTP có xu hướng bị lôi cuốn bởi các ý tưởng mới và thường bỏ qua những chi tiết nhỏ hoặc những khía cạnh thực tế.
- Khó khăn trong các tình huống đòi hỏi cảm xúc: INTP có thể cảm thấy bối rối trong những tình huống cần sự đồng cảm hoặc cảm xúc.
- Nhút nhát trong môi trường tập thể: INTP có thể khá nhút nhát và thiếu tự tin khi phải hòa nhập vào một môi trường xã hội lớn. Họ thường cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc một mình hoặc trong các nhóm nhỏ.
ENTJ – Nhà điều hành
ENTJ, hay còn gọi là “Nhà điều hành,” là nhóm tính cách nổi bật với khả năng lãnh đạo, tư duy logic, và định hướng chiến lược mạnh mẽ. Khoảng 3% dân số thuộc nhóm ENTJ, và họ thường được xem là những người dẫn đầu, có tầm nhìn dài hạn và khả năng thuyết phục, truyền cảm hứng cho người khác. Bên cạnh đó, ENTJ là kiểu người không bị cảm xúc chi phối và không dễ đồng cảm.
Ngành nghề phù hợp
- Giám đốc điều hành, Chuyên gia tài chính, Quan hệ công chúng
- Giảng viên, giáo viên, trợ giảng, Huấn luyện viên
- Nhà khoa học, Chuyên gia tâm lý, Kiến trúc sư
- Lập trình viên, chuyên gia công nghệ thông tin
- Giám đốc sản xuất nghệ thuật, Nhà sản xuất
- Luật sư, thanh tra, Bác sĩ, Quản lý dịch vụ y tế…
Những người nổi tiếng thuộc nhóm tính cách ENTJ là Napoleon Bonaparte, Margaret Thatcher, Garry Kasparov, và Carl Sagan… Đây là những cá nhân có sư quyết đoán, tầm nhìn chiến lược và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ—những đặc điểm tiêu biểu của ENTJ.
Ưu điểm của ENTJ:
- Tin tưởng vào khả năng bản thân: ENTJ tự tin trong việc đánh giá khả năng của mình, không ngại bày tỏ quan điểm và đưa ra các quyết định dứt khoát.
- Nghị lực và ý chí mạnh mẽ: Họ không dễ bị nản chí và sẵn sàng đối mặt với khó khăn, kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng.
- Tiếp cận vấn đề toàn diện: ENTJ có khả năng phân tích và đánh giá vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, giúp họ xác định các chiến lược hiệu quả nhất.
Nhược điểm của ENTJ:
- Kiêu ngạo và cứng nhắc: Do sự tự tin và khả năng phân tích vượt trội, ENTJ có thể tỏ ra kiêu ngạo và cứng nhắc, khó tiếp nhận ý kiến của người khác.
- Chỉ tập trung vào kết quả: Với sự chú trọng vào mục tiêu và hiệu suất, ENTJ thường bỏ qua yếu tố cảm xúc và quá trình làm việc của người khác. Điều này có thể làm tổn thương người khác hoặc tạo ra căng thẳng trong các mối quan hệ.
- Thiếu kiên nhẫn: ENTJ thường không có kiên nhẫn và dễ thất vọng với những người không đạt được hiệu suất làm việc như họ mong đợi.
ENTP – Người nhìn xa
Nhóm tính cách ENTP trong MBTI thường được gọi là “Người nhìn xa” vì khả năng tư duy độc đáo, sáng tạo và khả năng nhìn thấy những khả năng tiềm ẩn trong các tình huống phức tạp. Đây là những người thích khám phá và thử nghiệm nhiều lĩnh vực, với tinh thần học hỏi không ngừng. Bên cạnh đó, ENTPs cũng rất nhạy bén, giỏi giao tiếp và luôn có ý tưởng độc đáo. Tuy nhiên, họ thích làm việc tự do, thường không thích bị ràng buộc bởi các quy tắc hay kế hoạch cố định, điều này giúp họ linh hoạt nhưng đôi khi cũng có thể khiến họ thiếu nhất quán trong việc hoàn thành mục tiêu.
Ngành nghề phù hợp
- Chuyên gia tâm lý học
- Luật sư, Cố vấn
- Nhiếp ảnh, Diễn viên
- Lập trình viên, chuyên gia IT
- Doanh nhân, Nhân viên tiếp thị
- Nhà khoa học, Kỹ sư, Nhà phát minh,…
Những nhân vật lịch sử nổi tiếng như Alexander Đại đế, Benjamin Franklin, và Theodore Roosevelt là đại diện tiêu biểu của nhóm ENTP. Họ thể hiện rõ sự thông minh, tinh thần tiên phong, và kỹ năng giao tiếp xuất sắc
Ưu điểm của ENTP
- Nhanh nhẹn và linh hoạt: ENTP có khả năng thích ứng nhanh với các thay đổi, không bị lúng túng trước những tình huống bất ngờ.
- Nhiều ý tưởng sáng tạo: ENTP có một “kho ý tưởng” dồi dào, luôn sẵn sàng nảy ra những phương pháp giải quyết vấn đề độc đáo.
- Sự nhiệt huyết và năng lượng: Khi ENTP tìm thấy niềm đam mê, họ sẵn sàng dốc toàn lực để đạt được mục tiêu.
- Thích học hỏi điều mới mẻ: Sự tò mò tự nhiên khiến ENTP liên tục tìm kiếm và học hỏi kiến thức mới, tiếp cận vấn đề với một tư duy mở.
Nhược điểm của ENTP
- Khó áp dụng thực tế: Mặc dù xuất sắc trong việc đưa ra ý tưởng, ENTP đôi khi không kiên nhẫn với các bước chi tiết hoặc các công việc tẻ nhạt cần thiết để hiện thực hóa ý tưởng.
- Tư duy rộng và khó tập trung: Tính cách thích khám phá nhiều điều mới lạ khiến ENTP dễ phân tâm, họ khó tập trung lâu vào một dự án duy nhất.
- Nhanh chán: Sự nhạy cảm và khả năng tư duy nhanh nhạy có thể khiến ENTP dễ cảm thấy nhàm chán với những công việc đều đặn, lặp lại.
INFJ – Người che chở
Nhóm tính cách INFJ, thường được gọi là “Người che chở,” là một trong những loại hiếm nhất trong hệ thống MBTI, chỉ chiếm khoảng 1% dân số. INFJ được biết đến với trực giác mạnh mẽ, khả năng thấu hiểu người khác và tin tưởng mạnh mẽ vào giá trị của bản thân. Những người thuộc nhóm INFJ thường thích làm việc độc lập và luôn hoàn thành tốt công việc được giao.
Ngành nghề phù hợp
- Tư vấn tâm lý xã hội, Chuyên gia tâm lý học
- Thẩm phán, Luật sư, Bác sĩ, Y tá,
- Giáo viên, giảng viên
- Nhà văn, nhà thơ
- Kiến trúc sư, thiết kế đồ họa
- Điều dưỡng viên, Chuyên gia dinh dưỡng
- Chuyên viên nhân sự…
Những người nổi tiếng như Jimmy Carter (cựu Tổng thống Mỹ), nhà văn Johann Wolfgang von Goethe, nhà triết học nữ quyền Mary Wollstonecraft, và diễn viên Mel Gibson là những đại diện tiêu biểu của INFJ. Họ nổi bật với tài năng cá nhân, ý chí mạnh mẽ và có sự ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội.
Ưu điểm của INFJ
- Chăm chỉ và kiên trì: INFJ không chỉ theo đuổi những lý tưởng cao đẹp mà họ còn rất bền bỉ trong việc hoàn thành các mục tiêu.
- Trí tưởng tượng phong phú: INFJ thường có những ý tưởng sáng tạo và giàu cảm hứng, nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ và có những giải pháp độc đáo.
- Giao tiếp tốt: INFJ không chỉ biết cách thể hiện bản thân mà còn có khả năng lắng nghe và thấu hiểu sâu sắc người khác, điều này giúp họ xây dựng được những mối quan hệ gần gũi và tin cậy.
- Quyết đoán và tự tin: Mặc dù INFJ có bản chất dịu dàng và nhạy cảm, họ lại rất kiên quyết và tự tin khi đưa ra quyết định.
Nhược điểm của INFJ
- Dễ bị tổn thương với xung đột: INFJ rất nhạy cảm với xung đột hoặc chỉ trích. Họ có thể cảm thấy bị tổn thương sâu sắc khi gặp phải những tình huống mâu thuẫn hay sự phê bình.
- Khó tin vào người khác: Mặc dù INFJ có khả năng thấu hiểu sâu sắc người khác, họ lại có xu hướng khó đặt niềm tin hoàn toàn vào mọi người.
- Bảo thủ và cứng đầu: Khi INFJ đã đưa ra quyết định, họ có thể trở nên bảo thủ và cứng đầu. Điều này đôi khi làm họ khó chấp nhận quan điểm khác hoặc linh hoạt trong tư duy.
INFP – Người lý tưởng hóa
Khoảng 4,5% dân số thuộc nhóm tính cách INFP. Những người này nổi bật với sự chu đáo, nhiệt huyết và khả năng lắng nghe, thấu hiểu người khác một cách sâu sắc. INFPs thường đặt ra những tiêu chuẩn cao trong công việc và có xu hướng tránh xa xung đột, tìm cách né tránh mâu thuẫn hay cãi vã để duy trì hòa khí và sự hài hòa trong các mối quan hệ. Tính cách nhạy cảm và sâu sắc của họ giúp họ kết nối tốt với người khác, đồng thời cũng mang lại cho họ sự đồng cảm trong mọi tình huống.
Ngành nghề phù hợp
- Nghệ sĩ, biên kịch, Nhiếp ảnh gia
- Quản lý Marketing, Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân sự, Chuyên viên truyền thông, Chuyên viên quan hệ công chúng
- Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa
- Biên tập viên, Phiên dịch
- Giáo viên, giảng viên, Quản trị viên
- Nhà tâm lý học, Chuyên viên tư vấn tâm lý, tư vấn nghề nghiệp, Nhà tư vấn dinh dưỡng,…
Những cá nhân nổi tiếng như William Shakespeare, Julia Roberts, J.K. Rowling, và nhà triết học Jacques Rousseau là những ví dụ tiêu biểu của nhóm INFP. Những người này không chỉ để lại dấu ấn lớn trong lĩnh vực nghệ thuật, văn chương mà còn đại diện cho những tư tưởng sâu sắc, tinh tế và đầy cảm hứng.
Người INFP là những cá nhân nhạy cảm, giàu lý tưởng và luôn hướng về giá trị cốt lõi của bản thân. Họ có khả năng thấu hiểu sâu sắc cảm xúc của mình và của người khác, đồng thời thường bị thu hút bởi nghệ thuật, văn học hoặc những hình thức sáng tạo khác. Với sự chân thành và lòng trắc ẩn, INFP mong muốn tạo ra ý nghĩa trong cuộc sống và đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn, đặc biệt là bằng cách sống đúng với những giá trị mà họ tin tưởng.
Ưu điểm của INFP
- Đam mê và năng lượng: Khi INFP đã xác định được điều mà họ thực sự đam mê, họ sẽ dốc hết tâm huyết và năng lượng để theo đuổi nó.
- Hướng tới cuộc sống tốt đẹp: INFP luôn tìm kiếm sự hài hòa, yêu chuộng hòa bình.
- Sáng tạo và dễ thấu hiểu người khác: Khả năng đồng cảm mạnh mẽ giúp INFP dễ dàng hiểu được cảm xúc của người khác, là những người bạn, người đồng hành tuyệt vời.
Nhược điểm của INFP
- Không giỏi xử lý dữ liệu và chi tiết kỹ thuật: Do INFP chủ yếu dựa vào cảm xúc và giá trị hơn là tư duy phân tích nên thường gặp khó khăn khi phải làm việc với các thông tin logic, số liệu.
- Dễ mơ mộng và lý tưởng hóa: Vì luôn hướng tới lý tưởng, INFP có thể rơi vào trạng thái mơ mộng, lý tưởng hóa vấn đề và khó chấp nhận thực tế nếu nó không như kỳ vọng của họ.
- Tư tưởng cá nhân mạnh mẽ và dễ bị cô lập: INFP thường sống rất nội tâm và bảo vệ tư tưởng cá nhân của mình một cách mạnh mẽ. Điều này có thể làm họ trở nên cô lập, khó mở lòng với người khác.
ENFJ – Người cho đi
ENFJ, được biết đến với cái tên khác là “Người cho đi”, chỉ chiếm khoảng 2% tổng dân số. Họ được đặc trưng bởi khả năng lãnh đạo tự nhiên, kỹ năng giao tiếp xuất sắc và sự quan tâm sâu sắc đến cảm xúc của người khác. Những người thuộc nhóm tính cách này thường có khả năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ một cách hiệu quả. Mặc dù có nét tính cách E (Hướng ngoại) nhưng người ENFJ lại có xu hướng sống khép kín hơn, không hẳn là người hướng ngoại hoàn toàn.
Ngành nghề phù hợp
- Công tác xã hội, Tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp, tư vấn bảo hiểm
- Nhiếp ảnh, Chuyên viên truyền thông
- Biên tập viên, Biên – phiên dịch, Biên kịch, diễn viên
- Chuyên gia dinh dưỡng, Dịch vụ khách hàng, chăm sóc khách hàng
- Môi giới bất động sản
- Hiệu trưởng, giáo viên, giảng viên
- Nhân viên tuyển dụng, Quản lý nguồn nhân lực
- Kinh doanh, bán hàng
- Chuyên gia IT, lập trình viên
- Lễ tân, Trợ lý,…
Những cá nhân nổi tiếng như Martin Luther King, Jr, Abraham Lincoln, John Paul II, và Tony Blair là ví dụ điển hình cho nhóm tính cách ENFJ, nổi bật với khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, sự đồng cảm sâu sắc và tầm nhìn sâu rộng
Ưu điểm của ENFJ
- Kỹ năng giao tiếp xuất sắc: ENFJ biết cách tạo ra bầu không khí tích cực, thu hút sự chú ý của người khác và khiến họ cảm thấy quan trọng.
- Kiên trì và có trách nhiệm: Khi ENFJ đam mê một công việc nào đó, họ sẽ dồn toàn lực và trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mang lại kết quả tích cực cho cả nhóm.
- Lòng khoan dung và đồng cảm: Sự thấu hiểu và lòng nhân ái giúp họ dễ dàng tạo ra sự kết nối với người khác, từ đó tạo ra một môi trường làm việc và sống tích cực.
Nhược điểm của ENFJ
- Dễ bị tổn thương và dao động: ENFJ có tính cách duy tâm, họ thường dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác, cảm thấy tổn thương, dao động khi thấy người khác gặp khó khăn.
- Khó khăn trong việc quyết định: Mặc dù ENFJ rất nhạy bén trong việc hiểu cảm xúc của người khác, nhưng họ có thể không tự tin khi phải đưa ra những quyết định quan trọng.
ENFP – Người truyền cảm hứng
ENFP, hay được gọi là “Người truyền cảm hứng”, là nhóm tính cách chiếm khoảng 7% trong tổng dân số. Người thuộc nhóm tính cách ENFP thường rất nhiệt tình và thông minh. Họ có khả năng thích nghi nhanh chóng và tương tác linh hoạt với môi trường xung quanh. Tuy nhiên, ENFP cũng có thể dễ dàng bị phân tán bởi những điều mới lạ, và nhanh chóng nhàm chán với những hoạt động hay dự án mà họ từng rất hào hứng.
Ngành nghề phù hơp:
- Thiết kế, Design
- Copywriting, Content, Sáng tạo nội dung
- Biên kịch, Biên tập, Nhà báo, phóng viên,
- Nhà tâm lý
- Diễn viên, Nhạc sĩ, Ca sĩ,…
Các nhân vật nổi bật như Mark Twain, Bill Cosby, Julian Assange và Walt Disney là những ví dụ điển hình của nhóm tính cách ENFP. Họ thể hiện rõ sự sáng tạo, nhiệt huyết và khả năng giao tiếp xuất sắc.
Ưu điểm
- Không ngại thử thách bản thân với trải nghiệm mới: ENFP luôn sẵn sàng khám phá những điều mới mẻ và không ngại đối diện với những thách thức.
- Luôn nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng: Tính cách sôi nổi và đam mê của họ thường truyền cảm hứng cho người khác, tạo ra môi trường tích cực xung quanh.
- Điều hướng tốt các cuộc giao tiếp: ENFP có khả năng giao tiếp xuất sắc, dễ dàng kết nối và tạo dựng mối quan hệ với mọi người.
Nhược điểm
- Dễ bị phân tán: Họ có thể nhanh chóng bị cuốn vào nhiều ý tưởng và hoạt động khác nhau, dẫn đến khó khăn trong việc tập trung vào nhiệm vụ cụ thể.
- Thường bị căng thẳng, stress: Do tính cách hướng ngoại và nhạy cảm, họ dễ bị áp lực và cảm thấy thiếu kiên nhẫn trong các tình huống căng thẳng.
- Khó làm chủ cảm xúc cá nhân: ENFP có thể phản ứng mạnh mẽ trong những cuộc xung đột hoặc khi bị chỉ trích, dẫn đến việc mất kiểm soát cảm xúc.
- Khả năng thực hiện không giỏi như lời nói: Mặc dù họ có nhiều ý tưởng và kế hoạch, nhưng việc hiện thực hóa chúng đôi khi gặp khó khăn, do thiếu sự kiên trì và quyết tâm.
ISTJ – Người trách nhiệm
ISTJ, hay còn được gọi là “Người trách nhiệm”, là nhóm tính cách phổ biến nhất trong MBTI, chiếm khoảng 13% dân số. Họ nổi bật với sự trầm lặng, trung thành và đáng tin cậy. ISTJ thường là những người tôn trọng sự thật và pháp luật, có khả năng lập kế hoạch và sắp xếp công việc một cách hiệu quả. Tuy nhiên, họ có thể gặp khó khăn trong việc đồng cảm với người khác và thường cảm thấy không thoải mái khi phải bày tỏ cảm xúc của mình.
Ngành nghề phù hợp
- Thẩm phán, Luật sư,
- Quản lý kinh doanh, Quản trị, giám đốc điều hành, Quản lý vận hành
- Kế toán, Nhân viên tài chính nhân sự
- Lập trình viên, chuyên gia máy tính
- Bác sĩ, nha sĩ
- Giám đốc sản xuất
- Kỹ sư điện, Nhân viên kỹ thuật
- Thẩm định bảo hiểm…
Một số nhân vật nổi bật mang nhóm tính cách ISTJ bao gồm Arthur Wellington, Augustus, Jeff Bezos, và Angela Merkel. Những người này không chỉ nổi bật trong lĩnh vực của mình mà còn để lại dấu ấn mạnh mẽ nhờ vào sự quyết đoán, trách nhiệm và khả năng lãnh đạo của họ.
Ưu điểm của ISTJ
- Trách nhiệm cao: ISTJ luôn có tinh thần trách nhiệm với công việc của mình và rất đáng tin cậy trong mắt đồng nghiệp và cấp trên.
- Bình tĩnh và thực tế: Họ thường giữ được sự bình tĩnh trong những tình huống căng thẳng, đưa ra quyết định dựa trên sự phân tích và thực tế.
- Khả năng làm việc đa dạng: Với hiểu biết rộng và khả năng tổ chức tốt, ISTJ có thể làm việc hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nhược điểm của ISTJ
- Cứng đầu và bảo thủ: ISTJ có thể khó chấp nhận các quan điểm khác biệt và thường kiên định với ý kiến của mình, dễ dẫn đến xung đột trong các cuộc tranh luận.
- Khó hòa nhập: Họ có thể gặp khó khăn trong việc hòa nhập vào môi trường mới hoặc thay đổi thói quen đã quen thuộc.
- Thiếu nhạy cảm: ISTJ thường không nhạy cảm với cảm xúc và có thể vô tình làm tổn thương người khác.
ISFJ – Người nuôi dưỡng
ISFJ, hay còn gọi là “Người nuôi dưỡng”, là nhóm tính cách chiếm khoảng 12,5% dân số. Những người mang tính cách này thường sống tình cảm và có một thế giới nội tâm phong phú. Họ thích thực hành hơn lý thuyết và có khiếu thẩm mỹ cao. Mặc dù ISFJ có cảm xúc sâu sắc, họ thường khó bộc lộ những cảm xúc này ra ngoài, khiến người khác khó hiểu về họ. ISFJ thích được công nhận bởi người khác, sự công nhận, khen thưởng sẽ là động lực rất lớn cho họ.
Ngành nghề phù hợp
- Công tác xã hội, Luật sư
- Bác sĩ, nha sĩ, y tá, chuyên gia tư vấn sức khỏe,
- Kỹ thuật viên nông lâm nghiệp,
- Trợ lý hành chính, Kế toán, Hành chính nhân sự, văn thư ,Trợ lý giám đốc, thư ký,
- Giáo viên, giảng viên, trợ giảng, Quản lý giáo dục,
- Chăm sóc khách hàng, Quản lý cửa hàng,
- Nhân viên điện lạnh, điện tử, Thợ kim hoàn,
- Kỹ thuật cơ khí ô tô,
- Thợ làm bánh, Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất,…
Một số nhân vật nổi bật mang tính cách ISFJ bao gồm Ed Bradley, một nhà báo nổi tiếng; Christopher Walken, một diễn viên kỳ cựu; Jimmy Carter, cựu Tổng thống Mỹ; và Dr. Dre, một nhà sản xuất âm nhạc và rapper nổi tiếng.
Ưu điểm của ISFJ
- Nhiệt tình và giúp đỡ: ISFJ luôn sẵn sàng, vui vẻ giúp đỡ người khác.
- Trung thành và chăm chỉ: Họ làm việc chăm chỉ và có thể dựa vào sự trung thành của họ trong cả công việc lẫn các mối quan hệ cá nhân.
- Nhạy bén và tinh tế: Khả năng nhận ra chi tiết nhỏ giúp họ phát hiện và giải quyết vấn đề nhanh chóng.
Nhược điểm của ISFJ
- Cầu toàn: ISFJ thường có xu hướng cầu toàn, điều này có thể khiến họ trở nên khắt khe với bản thân và người khác.
- Quá tải trong công việc: Họ có thể cảm thấy bị quá tải vì cảm thấy cần phải hoàn thành mọi thứ một cách hoàn hảo.
- Khó tách biệt giữa công việc và cuộc sống: ISFJ thường gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa công việc và cuộc sống cá nhân, nên dễ bị stress và áp lực..
- Khó thích nghi với thay đổi: Họ có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới và những thay đổi không mong muốn.
- Nhút nhát: ISFJ có thể khá nhút nhát và có xu hướng tránh xa nơi đông người, những tình huống đòi hỏi giao tiếp nhiều.
ESTJ – Người giám hộ
ESTJ, hay còn gọi là “Người giám hộ”, là nhóm tính cách chiếm khoảng 11,5% dân số. Những người mang tính cách này thường sống thực tế, có khả năng lãnh đạo và gánh vác trách nhiệm lớn. ESTJ luôn cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ và thể hiện sự tận tâm trong mọi công việc. Tuy nhiên, họ có xu hướng tự cô lập bản thân khi phải đối mặt với căng thẳng.
Ngành nghề phù hợp
- Quản lý, Leader , Quản lý bán hàng, Quản lý kho bãi, Quản lý bảo tàng
- Việc làm Hành chính – Nhân sự, Kế toán, Kiểm toán
- Chuyên gia tư vấn tâm lý, giáo dục giới tính
- Y tá, Điều dưỡng
- Cố vấn tài chính, Nhân viên phân tích thị trường
- Kiến trúc sư, Kỹ sư giám sát, kỹ sư kết cấu, Kỹ thuật sửa chữa và bảo trì ô tô
- Vận động viên, Diễn viên
- Luật sư, Thẩm phán,..
Những người nổi tiếng có nhóm tính cách ESTJ bao gồm Bernard Montgomery, một nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc; Condoleezza Rice, cựu Ngoại trưởng Mỹ; George W. Bush, cựu Tổng thống Mỹ; và Henry Ford, nhà sáng lập hãng Ford Motor Company. Những cá nhân này đều thể hiện sự quyết đoán, tổ chức và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, đặc trưng cho nhóm tính cách ESTJ.
Ưu điểm của ESTJ
- Nghiêm túc trong công việc: ESTJ luôn làm việc một cách nghiêm túc và cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ một cách tốt nhất.
- Chân thành và đáng tin cậy: Họ có tính chân thành và thường rất kiên nhẫn, tạo sự tin tưởng từ người khác.
- Lãnh đạo tốt: Với khả năng tổ chức và lãnh đạo mạnh mẽ, ESTJ có thể quản lý nhóm hiệu quả và đạt được mục tiêu chung.
Nhược điểm của ESTJ
- Phản ứng thái quá: ESTJ thường phản ứng thái quá đối với những lỗi sai của người khác, điều này có thể tạo ra xung đột và căng thẳng trong các mối quan hệ.
- Cứng nhắc: Họ có thể trở nên cứng nhắc trong cách giải quyết vấn đề, thiếu linh hoạt khi đối diện với những tình huống mới.
- Khô khan: Sự nghiêm túc và tính kỷ luật của ESTJ đôi khi khiến họ trở nên khô khan và thiếu sự ấm áp trong giao tiếp.
ESFJ – Người quan tâm
ESFJ, hay còn gọi là “Người quan tâm”, chiếm khoảng 12% dân số. ESFJ có nhiều nét tính cách khá giống phụ nữ Việt Nam hiện đại như ấm áp, năng lượng dồi dào và có sự đồng cảm cao với người khác. Họ thích lắng nghe, thấu hiểu và chăm sóc mọi người xung quanh. Mặc dù họ có xu hướng làm việc độc lập, nhưng ESFJ lại dễ bị cảm xúc chi phối và cần chú ý hơn khi đưa ra quyết định quan trọng.
Ngành nghề phù hợp
- Cố vấn, Công tác xã hội
- Y tá, dược sĩ, chăm sóc trẻ em
- Văn thư, kế toán
- Giáo viên, giảng viện
- Quản lý, trưởng phòng, trưởng bộ phận
- Trợ lý, thư ký giám đốc
- Tăng lữ, việc liên quan tới tôn giáo
- Kinh doanh hộ gia đình…
Một số nhân vật nổi bật mang tính cách ESFJ bao gồm Harry S. Truman, cựu Tổng thống Mỹ; Sam Walton, người sáng lập Walmart; Desmond Tutu, nhà lãnh đạo tôn giáo và hoạt động nhân quyền; và Francis, Giáo hoàng hiện tại của Giáo hội Công giáo.
Ưu điểm của ESFJ
- Trung thành và có trách nhiệm: ESFJ luôn coi trọng nhiệm vụ được giao và thường rất đáng tin cậy trong công việc.
- Giỏi trong các vấn đề thực tế: Họ thường làm tốt trong các công việc thực tế và dễ dàng xử lý tình huống trong cuộc sống hàng ngày.
- Nhạy cảm và biết cách kết nối: Với sự đồng cảm cao, ESFJ có khả năng tạo ra mối quan hệ tốt đẹp với người khác.
Nhược điểm của ESFJ
- Thiếu quyết đoán: ESFJ thường gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định, đặc biệt là những quyết định quan trọng.
- Nhạy cảm về địa vị: Họ có thể khá nhạy cảm với địa vị và chức danh trong xã hội, điều này có thể ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận bản thân và người khác.
- Dễ nảy sinh tiêu cực: Khi nhu cầu và mong muốn không được đáp ứng, ESFJ có thể dễ dàng cảm thấy thất vọng hoặc tiêu cực.
- Có xu hướng điều khiển: Đôi khi, họ có thể gây mất thiện cảm với người khác nếu có xu hướng muốn kiểm soát các tình huống hoặc hành động của người khác.
ISTP – Nhà kỹ thuật
ISTP, còn được biết đến với tên gọi “Nhà kỹ thuật”, chiếm khoảng 5% tổng dân số. Những người thuộc nhóm tính cách này thường tò mò về cách thức hoạt động của mọi thứ xung quanh họ. Họ thích tìm hiểu, tháo lắp và lắp ráp mọi thứ để hiểu rõ hơn về chúng. Họ là những người mạo hiểm, tự tin vào khả năng của bản thân và luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách. ISTP rất giỏi trong việc ứng phó với tình huống khó khăn và thường không thích bị phê bình hay đánh giá một cách chủ quan.
Ngành nghề phù hợp
- Nhà sinh vật học, Nhà địa chất
- Lập trình viên, nhà phát triển phần mềm, chuyên gia IT, an ninh mạng
- Y tá, bảo mẫu, Chuyên gia dinh dưỡng
- Chuyên viên tài chính, Nhân viên tư vấn đầu tư chứng khoán
- Tester , Chuyên viên phân tích dữ liệu
- Thợ may, Kỹ sư cơ khí, Kỹ sư xây dựng…
Một số nhân vật nổi bật mang tính cách ISTP bao gồm Zachary Taylor, cựu Tổng thống Mỹ; Tom Cruise, ngôi sao điện ảnh nổi tiếng; Frank Zappa, nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc tài năng; và Clint Eastwood, đạo diễn và diễn viên huyền thoại.
Ưu điểm của ISTP
- Năng lượng dồi dào: ISTP luôn thể hiện sự vui vẻ và tích cực, điều này giúp họ dễ dàng hòa nhập với mọi người xung quanh.
- Giỏi ứng biến: Họ có khả năng xử lý tình huống khủng hoảng một cách hiệu quả và nhanh chóng.
- Linh hoạt và nhanh nhạy: ISTP thường dễ dàng thích nghi với sự thay đổi và không lo lắng nhiều về tương lai.
- Trí tưởng tượng phong phú: Họ có khả năng tưởng tượng và sáng tạo, đặc biệt khi liên quan đến các vấn đề thực tế và máy móc.
Nhược điểm của ISTP
- Thẳng thừng và dễ nổi cáu: ISTP có thể phản ứng mạnh mẽ nếu bị chỉ trích, điều này có thể khiến họ bị xem là thiếu nhạy cảm.
- Khó tập trung: Họ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì sự chú ý vào một vấn đề trong thời gian dài.
- Ít để ý đến cảm xúc: Họ thường không chú ý đến cảm xúc của người khác, dẫn đến việc có thể làm tổn thương cảm xúc của người khác một cách vô tình.
- Không thích cam kết: ISTP thường ngại đưa ra lời hứa hay cam kết lâu dài, điều này đôi khi gây khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ bền vững.
ISFP – Người nghệ sĩ
Tính cách ISFP, chiếm khoảng 8% dân số, là một nhóm đa dạng và thú vị trong mô hình MBTI. Những người thuộc nhóm này thường nhạy cảm với môi trường xung quanh và nhạy cảm với cái đẹp, dễ bị cuốn hút bởi nghệ thuật và các hình thức sáng tạo khác. Họ nổi bật với sự khiêm tốn và tính cách thân thiện, thích giúp đỡ người khác nên dễ dàng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. ISFP còn được biết đến với sự sáng tạo, tư duy khác biệt và xu hướng hành động nhanh chóng, luôn tìm kiếm những trải nghiệm mới. Tuy nhiên, ISFP lại không phải người có tố chất lãnh đạo bẩm sinh, nên sẽ gặp khó khăn trong vai trò quản lý hoặc tổ chức công việc.
Một số nhân vật nổi bật mang tính cách ISFP bao gồm Donald Trump (doanh nhân và cựu Tổng thống Mỹ), Marie Antoinette (nữ hoàng Pháp), Ervin Johnson (cựu cầu thủ bóng rổ NBA) và Elizabeth Taylor (nữ diễn viên huyền thoại Hollywood)
Ngành nghề phù hợp
- Nhạc sĩ, Bác sĩ
- Ca sĩ, diễn viên
- Nhà tâm lý, Chuyên gia đào tạo
- Giáo viên, giảng viên, trợ giảng
- Nhà thiết kế thời trang, Kiến trúc sư, Chuyên viên thẩm mỹ, Họa sĩ
- Công tác xã hội, Kiểm lâm viên…
Ưu điểm của ISFP
- Nhạy cảm và cảm thông: Họ có khả năng nhận biết cảm xúc của người khác, từ đó tạo ra những kết nối sâu sắc và chân thành.
- Sáng tạo và độc đáo: ISFP giỏi trong việc nghĩ ra những ý tưởng độc đáo và thường tạo ra xu hướng mới trong nghệ thuật.
- Đam mê với công việc yêu thích: Họ thường làm việc hết mình với những gì mình đam mê và luôn cố gắng phát huy khả năng sáng tạo của bản thân.
Nhược điểm của ISFP
- Khó hiểu trong lĩnh vực khoa học: ISFP thường gặp khó khăn trong việc tìm hiểu các chủ đề khoa học hoặc nghiên cứu lý thuyết.
- Dễ bị căng thẳng trong xung đột: Khi đối mặt với mâu thuẫn hay xung đột, họ có thể trở nên tiêu cực và căng thẳng.
- Khó khăn trong giao tiếp: Sự nội tâm của họ đôi khi khiến người khác khó hiểu về suy nghĩ và cảm xúc của họ.
ESTP – Người thực thi
ESTP, hay còn gọi là “Người thực thi”, chỉ chiếm khoảng 4% dân số. Những người thuộc nhóm tính cách này nổi bật với tính cách thẳng thắn và tinh ý trong việc nắm bắt động cơ của người khác. Ngoài ra, ESTP có khả năng tạo ra năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh, nhờ tính cách vui vẻ và sôi động, khiến họ trở thành những người có sức ảnh hưởng trong nhóm. Tuy nhiên, ESTP lại thiếu trực giác tốt, thường dựa vào trải nghiệm hiện tại hơn là khả năng tưởng tượng về tương lai. Họ cũng không thích làm việc trong khuôn khổ cứng nhắc, mà thường tìm kiếm sự tự do và linh hoạt và thử nghiệm những điều mới mẻ.
Ngành nghề phù hợp
- Nhà sinh vật học, Nhà địa chất, Kỹ thuật viên nông nghiệp, Nhà tâm lý học
- Giáo viên, giảng viên, trợ giảng
- Nhà đầu tư tài chính, Chuyên viên phân tích tài chính
- Quản trị kinh doanh, Đại diện nhãn hàng, Quản lý nhân sự, Kế toán, Kiểm toán
- Giám sát chất lượng, Giám sát xây dựng, nhà thầu
- Nhân viên sửa chữa ô tô, điện lạnh, điện tử
- Kiến trúc sư
- Thẩm phán, luật sư…
Một số nhân vật nổi bật mang tính cách ESTP bao gồm James Buchanan (Tổng thống Hoa Kỳ), Ernest Hemingway (nhà văn nổi tiếng), Madonna (ca sĩ và nhà sản xuất âm nhạc), và Jack Nicholson (diễn viên huyền thoại).
Ưu điểm của ESTP
- Thực tế và trung thực: Họ thường tiếp cận vấn đề từ góc độ thực tế, không thích lý thuyết phức tạp.
- Khả năng tương tác tốt: Họ có khả năng giao tiếp và kết nối với người khác một cách tự nhiên.
- Ham học hỏi: ESTP luôn tìm kiếm những ý tưởng mới và thích khám phá những điều mới mẻ.
Nhược điểm của ESTP
- Khó khăn trong việc kiên nhẫn: Họ thường gặp khó khăn khi phải làm công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, như nghiên cứu hay phân tích sâu.
- Không nghiêm túc với quy tắc: ESTP thường không tuân theo quy tắc và quy định một cách nghiêm ngặt, điều này có thể dẫn đến vấn đề trong môi trường làm việc.
- Thiếu cái nhìn tổng quan: Họ có thể không nhìn nhận được bức tranh lớn trong một vấn đề, dẫn đến những quyết định thiếu suy nghĩ.
ESFP – Người trình diễn
ESFP, hay còn gọi là “Người trình diễn”, chiếm khoảng 7,5% dân số. ESFP yêu thích trải nghiệm mới mẻ và mong muốn trở thành tâm điểm của sự chú ý. Họ thường có kỹ năng giao tiếp xuất sắc, tinh thần lạc quan và khiếu thẩm mỹ, giúp họ dễ dàng thu hút sự chú ý và kết nối với người khác. Tuy nhiên, ESFP thường không thích dành thời gian tìm hiểu những vấn đề phức tạp, thay vào đó họ có xu hướng phụ thuộc vào may mắn hoặc sự hỗ trợ từ người khác. Điều này có thể làm cho họ gặp khó khăn trong việc đối diện với các vấn đề cần sự suy nghĩ sâu sắc và phân tích.
Ngành nghề phù hợp
- Công tác xã hội, Y Tá, Bác sĩ
- Chuyên viên quan hệ công chúng, Tiếp thị, Tổ chức sự kiện
- Giáo viên, giảng viên, giáo sư
- Thiết kế thời trang
- Ca sĩ, diễn viên, vũ công, dancer
- Trưởng phòng kinh doanh, nhân viên kinh doanh
- Nhà văn, Nhà thơ, Nhà báo
- Kiến trúc sư,…
Người nổi tiếng có đặc điểm tính cách nhóm ESFP bao gồm Ronald Reagan, cựu Tổng thống Hoa Kỳ; Thánh Mark, một trong bốn tác giả của Tân ước; Hugh Hefner, nhà sáng lập tạp chí Playboy; và Steve Irwin, nhà bảo tồn động vật hoang dã và người dẫn chương trình truyền hình.
Ưu điểm
- Mạnh dạn, dám bước ra khỏi vùng an toàn: ESFP là những người thích khám phá và thử thách bản thân, sẵn sàng tiếp nhận những trải nghiệm mới.
- Nhạy cảm và dễ dàng phát hiện sự thật: Với khả năng nhạy bén, ESFP có thể nhanh chóng nhận ra cảm xúc của người khác và phản ứng một cách phù hợp.
- Giao tiếp tốt: Với tính cách hướng ngoại, ESFP có khả năng giao tiếp tự nhiên và thu hút người khác, dễ dàng tạo dựng các mối quan hệ và thường là trung tâm của sự chú ý trong các buổi gặp mặt.
- Khiếu thẩm mỹ cao: ESFP có xu hướng nhạy cảm với cái đẹp như nghệ sĩ, nhà thiết kế, hoặc người yêu thích các hoạt động sáng tạo khác.
Nhược điểm
- Khó kìm nén cảm xúc, dễ mất kiên nhẫn: ESFP thường sống theo cảm xúc. Khi cảm xúc quá mạnh, họ có thể trở nên bộc phát, dễ dàng mất kiên nhẫn hoặc phản ứng thái quá.
- Khó tập trung vào một vấn đề nhất định: Do tính cách thích khám phá và trải nghiệm, ESFP khó có thể duy trì sự chú ý vào một vấn đề trong thời gian dài.
- Kỹ năng lập kế hoạch kém: ESFP thường không có xu hướng lập kế hoạch chi tiết và có thể thiếu tổ chức trong công việc. Họ có thể thiên về cách tiếp cận ngẫu hứng hơn.
- Dễ đưa bản thân vào những trường hợp xấu nếu không đạt được điều như ý: Nếu tình huống không diễn ra theo mong đợi, ESFP có thể cảm thấy thất vọng và dễ dẫn đến quyết định sai lầm.
Đánh giá MBTI
Phương pháp kiểm tra tâm lý MBTI là công cụ phổ biến được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, từ giáo dục cho đến công việc và giao tiếp.
Bài test MBTI sẽ giúp bạn hiểu rõ các đặc điểm tính cách, ưu điểm và khuyết điểm của mình. Từ đó giúp bạn chọn lựa nghề nghiệp phù hợp, xây dựng mối quan hệ và phát triển cá nhân. Bên cạnh đó, MBTI còn giúp người dùng đánh giá và nhận biết được tâm lý của người khác. Điều này cực kỳ quan trọng trong việc giao tiếp hiệu quả và xây dựng mối quan hệ tích cực. Khi hiểu được kiểu tính cách của người đối diện, chúng ta có thể điều chỉnh cách giao tiếp của mình để phù hợp hơn với phong cách của họ.
Một trong những điểm nổi bật của MBTI là tính nhân văn của nó. Phương pháp này không phân biệt hay đánh giá bất kỳ ai mà chỉ đơn thuần là một công cụ để giúp mỗi người tự khám phá bản thân. Nó khuyến khích sự chấp nhận sự khác biệt và tôn trọng các kiểu tính cách đa dạng. Bằng cách làm rõ các điểm mạnh và điểm yếu của từng nhóm tính cách, MBTI tạo điều kiện cho người dùng hiểu rằng không có một kiểu tính cách nào “tốt” hay “xấu”. Điều này góp phần xây dựng một môi trường tích cực hơn, nơi mọi người cảm thấy được tôn trọng và có thể phát huy hết khả năng của mình.
Ứng dụng của MBTI trong quản trị nhân sự
Tuyển dụng nhân sự
MBTI là một công cụ vô cùng phổ biến dùng để đánh giá tính cách của ứng viên, điểm mạnh điểm yếu của họ. Nhà tuyển dụng có thể sử dụng kết quả từ bài test tính cách MBTI để xác định xem ứng viên có phù hợp với văn hóa và môi trường của tổ chức hay không. Thông qua việc nhận diện được những điểm mạnh và điểm yếu của ứng viên, nhà tuyển dụng có thể lựa chọn những người có khả năng làm việc nhóm tốt, thích nghi nhanh chóng và phát huy tốt năng lực cá nhân trong tổ chức.
Quản lý nhân sự
Bài test MBTI sẽ hé lộ các nét tính cách của từng người, giúp các nhà quản lý nâng cao khả năng lãnh đạo của mình. Khi một nhà quản lý biết rõ cách mà từng nhân viên suy nghĩ và cảm nhận, họ sẽ có thể tạo ra những thông điệp hoặc giải pháp phù hợp, khiến nhân viên cảm thấy được thấu hiểu và ghi nhận. Một lợi ích quan trọng khác của việc áp dụng MBTI trong quản lý nhân sự là khả năng giảm thiểu mâu thuẫn và điều tiếng trong công ty. Khi hiểu rõ tính cách của các thành viên, nhà quản lý có thể tạo điều kiện cho sự cộng tác hiệu quả hơn, phân chia công việc hợp lý hơn và xây dựng các nhóm làm việc có sự bổ sung lẫn nhau.
Lưu ý trước khi làm trắc nghiệm MBTI
Trắc nghiệm MBTI là một công cụ hữu ích để hiểu rõ hơn về bản thân và tính cách của mình. Tuy nhiên, để có được kết quả chính xác và hữu ích, người tham gia cần lưu ý một số điểm trước khi thực hiện bài trắc nghiệm.
-
Giữ tâm lý ổn định khi làm trắc nghiệm MBTI
Tâm trạng và cảm xúc của bạn tại thời điểm làm bài trắc nghiệm có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách bạn trả lời các câu hỏi. Nếu bạn đang ở trong trạng thái vui vẻ, phấn khích hoặc buồn giận, lo lắng, khả năng cao là bạn sẽ có những lựa chọn không phản ánh đúng bản chất của mình. Để có được kết quả chính xác nhất, bạn nên thực hiện bài trắc nghiệm khi tâm lý của mình ổn định, thoải mái và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
-
Trung thực khi trả lời câu hỏi
Một trong những sai lầm phổ biến mà nhiều người gặp phải khi làm MBTI là chọn câu trả lời mà họ nghĩ là lý tưởng hoặc “hay nhất”, thay vì câu trả lời phản ánh đúng bản chất của họ. Điều này có thể dẫn đến kết quả không chính xác và làm mất đi giá trị của bài trắc nghiệm.
Hãy cố gắng trả lời các câu hỏi một cách trung thực, dựa trên trải nghiệm và cảm xúc thật sự của bản thân. Tránh để mình bị ảnh hưởng bởi áp lực từ môi trường bên ngoài, mong đợi của người khác hoặc các tiêu chuẩn xã hội.
-
Kết quả MBTI có thể thay đổi theo thời gian
Theo thời gian, bạn sẽ có những thay đổi và trưởng thành hơn. Những trải nghiệm, mối quan hệ và hoàn cảnh sống khác nhau có thể dẫn đến sự thay đổi trong tính cách và cách nhìn nhận về bản thân.
Do đó, kết quả bài trắc nghiệm MBTI có thể khác nhau theo từng thời điểm. Việc này không có nghĩa là bạn đã sai lầm trong lần trắc nghiệm trước, mà là một minh chứng cho sự trưởng thành và thay đổi trong nhận thức và thế giới quan của bạn.
Một số câu hỏi thường gặp về MBTI
MBTI khác với các công cụ test tính cách khác như thế nào?
MBTI hoàn toàn khác biệt so với nhiều công cụ test tính cách khác. MBTI không có câu trả lời đúng hay sai và cùng không phải bài kiểm tra tình trạng sức khỏe tâm lý. MBTI tập trung vào việc khám phá và hiểu rõ hơn về bản chất của từng cá nhân, mang đến cái nhìn sâu sắc hơn về những đặc điểm tính cách và động lực bên trong của mỗi cá nhân. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân, từ đó có thể áp dụng những hiểu biết này vào việc xây dựng các mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp một cách hiệu quả hơn.
MBTI test có chính xác hay không?
Theo thông tin được công bố chính thức từ công ty xuất bản độc quyền MBTI, độ chính xác của bài kiểm tra này có thể đạt tới 90%. Các nhà nghiên cứu đang tìm cách nâng cao độ chính xác của bài kiểm tra MBTI và phù hợp hơn với sự đa dạng tính cách và hành vi của con người.
Tại sao MBTI test lại ngày càng trở nên phổ biến?
MBTI test đã trở nên phổ biến một phần nhờ vào khả năng chạm tới tâm lý chung của con người, đó là sự khám phá bản thân và tìm hiểu những người xung quanh. Ngoài ra, kết quả MBTI không phải là căn cứ để phán xét hay hạ thấp bất kỳ ai; thay vào đó, nó mang tính nhân văn, giúp mọi người có thể tự khám phá và hiểu được bản thân mình hơn. Từ đó giúp nâng cao sự kết nối, hòa nhập và tạo dựng các mối quan hệ tích cực hơn trong xã hội.
Hy vọng rằng bài viết đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn sâu sắc hơn về MBTI – công cụ phân loại tính cách với 16 nhóm tính cách riêng biệt. Qua đó, bạn có thể hiểu rõ hơn về bản thân, tận dụng những điểm mạnh vốn có và từng bước khắc phục các điểm yếu để ngày càng hoàn thiện. Chúc bạn sẽ khai thác tối đa tiềm năng của mình, tiến tới thành công và đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống cũng như sự nghiệp.